Hiện tại tôi là một Marketing Executive, hãy đề xuất một headline LinkedIn có chứa các từ khóa liên quan trong Mô tả công việc đính kèm.
Tự Động Tối Ưu Hồ Sơ LinkedIn Bằng AI Từ A Đến Z (Cực Nhanh!!)
Hãy dừng lướt hàng trăm video ngắn chỉ để giải trí nếu bạn chưa dành thời gian để đọc bài viết này và tối ưu LinkedIn của mình.
Bạn có biết, mỗi 1 phút, sẽ có 7 người được tuyển dụng trên LinkedIn. Trong đó, những ứng viên có hồ sơ hoàn thiện sẽ tăng cơ hội được phỏng vấn đến 71%. Đặc biệt, LinkedIn còn giúp đẩy mạnh thương hiệu cá nhân và mở rộng các mối quan hệ chuyên nghiệp. Trên thực tế, khoảng 50% khách hàng B2B tiềm năng sẽ lướt qua LinkedIn của bạn trước khi quyết định hợp tác.
Còn bạn, bạn đã biết cách sử dụng AI để tối ưu hồ sơ LinkedIn của mình và luôn nổi bật trong mắt đối tác, nhà tuyển dụng, và những khách hàng tiềm năng khác chưa?
Với kinh nghiệm gần 4 năm xây dựng kênh LinkedIn Thái Vân Linh, với hơn 250,000 người theo dõi, Linh càng hiểu hơn sức mạnh của nền tảng xã hội này. Trong bài viết hôm nay, Linh sẽ chia sẻ với bạn cách tối ưu hồ sơ LinkedIn một cách bài bản và hoàn toàn miễn phí.
1. Tối Ưu LinkedIn Và Xây Dựng Thương Hiệu Cá Nhân
Trước tiên, Linh muốn chia sẻ về một điều cực kỳ quan trọng, nhưng nhiều bạn đi làm thường bỏ qua. Đó là tư duy về thương hiệu cá nhân.
Bạn nghĩ là xây dựng “thương hiệu” chỉ dành cho doanh nghiệp đúng không? Điều này là không đúng! Trong công việc và đặc biệt là trong thời đại số, mỗi cá nhân đều là một thương hiệu. Đừng chỉ nghĩ về LinkedIn như một nơi nơi tìm việc, mà hãy xem đó là một nền tảng giúp bạn chia sẻ hành trình sự nghiệp của mình và tạo ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng, đối tác tương lai.
Linh biết có nhiều bạn rất giỏi trong công việc nhưng lại chưa biết cách thể hiện những điểm mạnh của mình trên LinkedIn. Đó là lý do hôm nay Linh muốn giúp bạn cải thiện hồ sơ LinkedIn của mình một cách nhanh chóng và đầy chiến lược, với sự giúp sức của người bạn AI.
Sau bài viết này, bạn sẽ học được cách tối ưu 2 yếu tố quan trọng trên LinkedIn là: Một, ảnh đại diện cùng ảnh bìa và Hai, là bộ từ khóa để nhà tuyển dụng và đối tác dễ tìm thấy bạn nhất. Linh đảm bảo là rất dễ, và bạn sẽ hào hứng để thử ngay. Hãy bắt đầu nha!

2. Tối Ưu Ảnh Đại Diện Và Ảnh Bìa
2.1. 4 Quy Tắc Chính Cho Ảnh Đại Diện
Đầu tiên, chúng ta sẽ tối ưu ảnh đại diện trên LinkedIn theo các quy tắc chính, và cách dùng AI để “biến hình” cho tấm hình của bạn.
Hãy nghĩ về ảnh đại diện giống như cái bắt tay đầu tiên khi bạn gặp gỡ ai đó trực tuyến. Nó cần phải vừa đủ chỉn chu, vừa tạo cảm giác thân thiện, dễ gần. Quan trọng là, việc chọn ảnh đại diện phù hợp sẽ giúp bạn truyền tải đúng thông điệp về bản thân. Vậy một tấm hình thế nào sẽ đáp ứng được điều này? Có 4 yếu tố quan trọng mà bạn cần chú ý khi chọn ảnh đại diện trên LinkedIn.
(1) Đầu tiên là trang phục. Trang phục cần phù hợp với tính chất công việc của bạn. Ví dụ, nếu bạn làm trong các lĩnh vực có tính nghiêm túc cao như tài chính hay luật, một bộ vest hoặc áo sơ mi sẽ tạo cảm giác chuyên nghiệp. Ngược lại, nếu bạn làm trong các ngành sáng tạo như thiết kế hay truyền thông, bạn có thể chọn trang phục thoải mái hơn, có chút cá tính nhưng hãy đảm bảo vẫn gọn gàng và lịch sự.
(2) Biểu cảm gương mặt. Bạn không cần quá nghiêm túc, hay tạo dáng thật ngầu. Chỉ cần một nụ cười nhẹ, tự nhiên là đủ. Hãy tưởng tượng như mình đang gặp gỡ một người mới và mình muốn tạo thiện cảm với họ ngay từ cái nhìn đầu tiên.
(3) Góc chụp. Lý tưởng nhất là bạn sử dụng một ảnh chân dung bán thân, tức là từ phần ngực trở lên với nền trơn hoặc không gian văn phòng đơn giản. Điều này giúp khuôn mặt của bạn chiếm khoảng 60% diện tích ảnh, vừa đủ để người xem thấy rõ mà không bị quá gần hay quá xa. Và lưu ý là không dùng ảnh tự sướng nha các bạn.
(4) Chất lượng ảnh. Hãy đảm bảo ảnh của bạn có kích thước chuẩn 400x400 pixels để khi tải lên LinkedIn không bị mất nét hay vỡ ảnh nha.
Đến đây, hãy dừng lại và xem hình đại diện LinkedIn của bạn có đáp ứng 4 yếu tố trên không? Nếu chưa thì hãy mở thư viện ảnh của mình và tìm xem có tấm hình nào đạt yêu cầu để thay thế không.
2.2. Tạo Ảnh Đại Diện Với AI
Nếu bạn chưa hài lòng với tấm ảnh nào của mình thì ngay bây giờ Linh sẽ chỉ cho bạn cách dùng Adobe Firefly - một công cụ AI để “hô biến” tấm hình bình thường của mình thành một tấm ảnh chuyên nghiệp, chỉ với vài bước đơn giản.
Thật thú vị phải không? Chỉ trong vài phút, bạn có thể thay đổi quần áo, nền ảnh mà không cần kỹ năng chỉnh sửa phức tạp. Nghe có vẻ khó tin. Nhưng đừng quên là với AI, mọi thứ hoàn toàn có thể. Cùng thử nha.
Đầu tiên, bạn cần chọn hoặc chụp một tấm ảnh chân dung rõ nét. Đừng lo lắng về quần áo hay phông nền vội, chỉ cần đảm bảo ánh sáng tốt và nhìn rõ mặt là được. Tiếp theo, bạn truy cập vào Adobe Firefly bằng đường dẫn https://firefly.adobe.com hoặc gõ Adobe Firefly trên thanh tìm kiếm của Google. Sau khi đăng ký tài khoản, tại giao diện trang chủ, bạn chọn hình ảnh (image), chọn tính năng "Generative Fill".

Giao diện trang chủ của Adobe Firefly sau khi chọn hình ảnh (image)
Lúc này Adobe Firefly sẽ cần bạn nhấn đồng ý với các chính sách của ứng dụng để có thể bắt đầu. Sau đó, hãy tải hình ảnh của bạn lên bằng cách bấm vào nút dưới đây.

Tải hình ảnh lên bằng cách bấm vào nút "Upload image"
Giao diện chỉnh sửa hình ảnh sẽ mở ra. Tiếp theo, bạn chỉ cần di chuyển con trỏ chuột để quét chọn phần trang phục. Bạn có thể chọn vào con số này để điều chỉnh kích thước to nhỏ cho con trỏ chuột. Ví dụ ở đây, Linh sẽ chọn hết phần áo thun không có cổ áo này. Khi bạn bấm vào dấu cộng này, bạn có thể thêm vùng chọn, còn khi bấm vào dấu gạch ngang (-) Subtract, bạn sẽ bỏ vùng chọn mỗi lần nhấp chuột.

Giao diện chỉnh sửa hình ảnh của Adobe Firefly
Sau khi đã chọn xong phần trang phục cần thay đổi, bạn chỉ cần nhập câu lệnh prompt yêu cầu AI đổi sang trang phục mà bạn muốn. Ví dụ Linh sẽ muốn mặc blazer để nhìn chuyên nghiệp hơn. Linh sẽ nhập là “Áo blazer chuyên nghiệp cho nữ”. Bạn có thể mô tả thêm những yếu tố mà bạn muốn như màu sắc hay kiểu dáng. Cùng xem thử ha. Trang phục đã thay đổi, nhưng hình chưa được tự nhiên lắm. Linh sẽ thử thêm một vài lựa chọn khác.

Lựa chọn hình ảnh có trang phục chuyên nghiệp
Trông ổn hơn rồi ha, bộ này cũng được. Nhìn khá chuyên nghiệp.
Hiện tại, bạn được tạo miễn phí hơn 20 lần, trước khi trả phí cho Adobe Firefly. Linh thấy là cũng đủ để chúng ta chỉnh sửa 1 hình ảnh đại diện. Nếu chưa thấy ưng ý, bạn có thể bấm tạo lại để xem nhiều phiên bản khác nhau.
Khi đã chọn được mẫu trang phục yêu thích, chúng ta sẽ tiến hành thay đổi nền ảnh. Nếu tấm hình của bạn đã có nền đơn giản, màu sáng, bạn có thể không cần làm bước này. Tuy nhiên nếu tấm hình có nền hơi rối, nhiều màu thì bạn nên cần thay đổi. Ví dụ như tấm hình dưới đây.

Tấm hình có nền hơi rối, nhiều màu
Để đổi phông nền, đầu tiên bạn chọn “Select background" để tách nền cho tấm hình. Sau đó nhập prompt yêu cầu nền thay thế. Bạn có thể chọn màu nền tùy ý. Chỉ cần lưu ý là nền nên đơn giản, sáng màu, và hoà hợp với hình ảnh của bạn.

Kết quả của Adobe Firefly cho yêu cầu thay thế nền hình ảnh
Sau khi chọn được hình nền yêu thích, bạn có thể lưu về máy và sử dụng ngay. Rất đơn giản, hãy chọn vào tấm hình mình thích, chọn “Keep”. Sau đó ở góc trên bên phải, bạn nhấn Download để tải về.

Hình đại diện hiện tại trên kênh LinkedIn của Linh
Đây là hình đại diện hiện tại trên kênh LinkedIn Thái Vân Linh mà team Linh đang quản lý. Vì trên kênh này, ngoài nội dung về sự nghiệp sẽ chia sẻ nhiều nội dung khác như phát triển bản thân hay chăm sóc sức khỏe, nên Linh sẽ chọn một tấm hình không quá cứng để tạo cảm giác gần gũi hơn.
HỘP HỌC HỎI
Đây là Hộp Học Hỏi. Nếu ảnh đại diện đem đến cảm nhận đầu tiên về bạn, thì ảnh bìa sẽ giống như không gian truyền tải về những gì bạn làm. Tuy nhiên, kích thước ảnh bìa LinkedIn sẽ hiển thị khác nhau trên các thiết bị như máy tính, điện thoại hay tablet. Điều này có nghĩa là bạn cần phải biết “vùng an toàn” để đặt các thông tin quan trọng, tránh việc chúng bị che khuất trên các thiết bị nhỏ hơn. Đây là khung an toàn (Safe Margin) cho ảnh bìa trên hồ sơ LinkedIn, bạn có thể lưu về và tải lên Canva để tạo ảnh bìa chuẩn kích thước cho mình nha.

Khung an toàn (Safe Margin) cho ảnh bìa trên hồ sơ LinkedIn
Tải khung an toàn (Safe Margin) tại đây.
Kích thước chuẩn của ảnh bìa trên kênh LinkedIn Thái Vân Linh là 1584x396 pixels, trang LinkedIn cho công ty là 1128x191 pixels. Nhưng Linh khuyên bạn nên đặt nội dung quan trọng ở khu vực trung tâm. Lý do là vì phần bên trái thường bị che bởi ảnh đại diện. Nếu bạn không rành về thiết kế, bạn có thể dùng Canva.

Ảnh bìa trên kênh LinkedIn của Linh
Đây là ảnh bìa trên kênh LinkedIn của Linh, gồm có hình của Linh và các chuỗi nội dung mà Linh và team Skills Bridge đang thực hiện. Các bạn nhớ theo dõi nha.
3. Tối Ưu Từ Khoá
Vì sao bạn cần tối ưu từ khoá trên LinkedIn? Bởi LinkedIn hoạt động như một công cụ tìm kiếm việc làm, khách hàng, hay đối tác khổng lồ. Nó có thuật toán tương tự như Google. Và cũng giống như cách Google xếp hạng SEO cho các trang web, LinkedIn cũng sẽ xếp hạng các hồ sơ của bạn dựa trên các từ khóa liên quan.
Các nhà tuyển dụng không lướt từng hồ sơ một, mà thay vào đó, họ gõ những từ khóa cụ thể và chủ yếu xem những hồ sơ xuất hiện ở trang đầu tiên. Vì vậy, nếu hồ sơ của bạn không được tối ưu từ khóa, chẳng khác nào bạn sở hữu một cửa hàng tuyệt vời nhưng lại nằm khuất trong con hẻm vắng người qua lại, nghĩa là chẳng ai biết đến.
3.1. Xác Định Từ Khoá
Để tối ưu từ khóa hiệu quả, trước hết bạn cần xác định từ khóa chính của mình. Bạn nên nghiên cứu từ khóa liên quan đến ngành của mình. Một cách đơn giản là xem profile của 3 đến 5 người thành công trong lĩnh vực của bạn và phân tích những từ khóa họ đang sử dụng.
Nếu bạn đang trong quá trình tìm việc và muốn nhân sự tìm thấy mình, bạn càng phải chú ý đến việc xác định và phân bổ từ khoá. Tin tốt là AI có thể hỗ trợ bạn trong nhiệm vụ này. Bạn có thể làm như sau:
Đầu tiên, hãy lưu lại khoảng 3 đến 5 bản mô tả công việc của vị trí mình đang ứng tuyển vào một file chung. Sau đó tải file này lên ChatGPT và nhập prompt yêu cầu phân tích từ khóa.
Ở đây Linh đã có sẵn một file Word gồm 5 mô tả công việc của vị trí Marketing Executive. Linh sẽ đính kèm file và yêu cầu ChatGPT: “Phân tích 5 mô tả công việc bên dưới và liệt kê 10 từ khóa quan trọng nhất, sắp xếp theo thứ tự số lần xuất hiện.”
Và đây là kết quả ChatGPT trả về cho Linh, trong đó Marketing là từ khóa xuất hiện nhiều nhất. Tiếp đến là Digital Marketing và Content Marketing. Một lưu ý là nếu có từ khóa nào mà không phải sở trường của bạn, thì bạn có thể bỏ qua và sử dụng từ khoá phù hợp tiếp theo.

Kết quả ChatGPT trả về
3.2. Phân Bổ Từ Khóa
Sau khi đã xác định được các từ khóa có tần suất xuất hiện cao, bạn nên đặt chúng ở đâu? Có 5 vị trí quan trọng nhất để đặt từ khóa trên LinkedIn, xếp theo thứ tự ưu tiên.
(1) Thứ nhất là Headline - ngay bên dưới tên của bạn. LinkedIn cho phép bạn sử dụng đến 220 ký tự ở phần này, vì vậy hãy tận dụng tối đa. Đừng chỉ ghi chức danh hiện tại, mà hãy thêm 2 đến 3 chuyên môn cốt lõi của bạn để tăng khả năng được tìm thấy. Ví dụ, thay vì chỉ ghi "Marketing Executive", hãy cụ thể hơn như "Marketing Executive | Digital Campaigns | Content Strategy | Social Media Management". Việc này giúp bạn nổi bật và dễ dàng được tìm thấy hơn.
Nhấp vào xem Prompt mẫu

Ví dụ minh họa cho phần Headline của hồ sơ LinkedIn
(2) Tiếp đến là phần About. Đây là nơi bạn kể câu chuyện của mình kết hợp với các từ khóa quan trọng. Trong 2 đến 3 câu đầu tiên, hãy đảm bảo đã nhắc đến những từ khóa chính, vì phần này sẽ được hiển thị trước khi người xem nhấn "Xem thêm".
Nhấp vào xem Prompt mẫu
Dựa vào CV đính kèm, hãy viết phần about để tôi thêm vào LinkedIn của mình. Trong đó có chứa các từ khoá nổi bật liên quan đến công việc của tôi và phân bổ hợp lý. Lưu ý là có những từ khóa chính trong 2 hoặc 3 câu đầu tiên.

Ví dụ minh họa cho phần About của hồ sơ LinkedIn
(3) Thứ ba là phần Experience (kinh nghiệm). Mỗi vị trí công việc ở đây là một cơ hội để bạn lồng ghép các từ khóa. Nhưng bạn đừng chỉ liệt kê trách nhiệm công việc, mà hãy nhấn mạnh kết quả cụ thể kèm theo từ khóa liên quan. Điều này không chỉ giúp tối ưu từ khóa mà còn thể hiện giá trị thực tế mà bạn đã mang lại cho công việc trước đây.
Nhấp vào xem Prompt mẫu
Dựa vào CV đính kèm, hãy viết phần kinh nghiệm rõ ràng, súc tích cho từng vị trí công việc, trong đó mỗi phần kinh nghiệm có chứa các từ khoá liên quan và hiệu suất công việc của tôi.

Ví dụ minh họa cho phần Experience của hồ sơ LinkedIn
(4) Thứ tư là phần Skills (hay kỹ năng). LinkedIn cho phép bạn thêm tới 100 kỹ năng, vì vậy hãy sử dụng hết mức có thể! Một lưu ý nhỏ là hãy đặt những kỹ năng quan trọng nhất - những kỹ năng mà bạn muốn được tìm kiếm nhất - lên đầu danh sách này.

Sắp xếp các kỹ năng quan trọng nhất lên hàng đầu
(5) Một mẹo nhỏ khác cũng rất hiệu quả là hãy sử dụng phần "Featured" để đăng các bài viết, video hoặc tài liệu có chứa từ khóa quan trọng. Ví dụ, nếu bạn muốn được tìm thấy với từ khóa "data analytics", hãy viết một bài về chủ đề này và ghim nó vào phần Featured. LinkedIn sẽ coi đây là bằng chứng về chuyên môn của bạn và tăng thứ hạng cho hồ sơ của bạn với từ khóa đó. Rất đơn giản, sau khi đăng bài, bạn nhấn vào dấu 3 chấm bên góc phải, chọn Feature on top profile là được. Sau đó bài viết sẽ xuất hiện trên đầu hồ sơ của bạn như thế này.

Bài viết xuất hiện trên đầu hồ sơ LinkedIn sau khi sử dụng phần "Featured"
Ngoài ra, trong phần này Linh cũng muốn nhấn mạnh một điều quan trọng là: Đừng bao giờ nhồi nhét từ khóa một cách gượng ép! Hãy sử dụng từ khóa một cách tự nhiên, như thể bạn đang trò chuyện với người xem vậy. Và nhớ là đừng sử dụng những từ khóa không đúng sự thật với kinh nghiệm làm việc hay bản thân của mình.
Lời Kết
Hãy nhớ rằng LinkedIn không chỉ là nơi để tìm việc hay tuyển dụng. Đó là không gian để bạn xây dựng cộng đồng chuyên môn, để học hỏi, kết nối và phát triển. Vậy nên việc tối ưu LinkedIn là một quá trình liên tục, không phải làm một lần là xong.
Giống như việc chăm sóc một khu vườn – bạn cần thường xuyên tưới nước, tỉa cành và chăm chút để khu vườn luôn xanh tươi và tràn đầy sức sống. Hồ sơ của bạn cũng vậy, cần được cập nhật liên tục, ít nhất khoảng 1 đến 3 tháng, để phản ánh đúng năng lực, những thành tựu mới nhất hay những bước tiến trong sự nghiệp của bạn.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây! Hi vọng là những mẹo này hiệu quả với bạn.

Viết bởi
Đội ngũ Skills Bridge
Skills Bridge là nơi cung cấp cho bạn (1) tin tức mới nhất, (2) kiến thức nền tảng và (3) cách ứng dụng AI để nâng cao hiệu suất công việc. Bạn cũng có thể tìm hiểu và tham khảo các khóa học chuyên sâu về AI do Skills Bridge thiết kế lộ trình tại đây.
AI Productivity X10 Hiệu Suất
Doanh Nghiệp Với AI

Đào tạo kỹ năng làm việc văn phòng và kinh doanh
cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Liên hệ


Skills Bridge cung cấp các chương trình đào tạo giúp cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nâng cao kỹ năng chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo và xây dựng doanh nghiệp thành công.
Liên hệ


Skills Bridge cung cấp các chương trình đào tạo giúp cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nâng cao kỹ năng chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo và xây dựng doanh nghiệp thành công.
Liên hệ
