QUẢN LÝ THỜI GIAN VÀ TRAO QUYỀN
Quản lý và phát triển tổ chức thông qua trao quyền
Các Khóa Học / Quản lý Thời gian và Trao quyền / Quản lý và phát triển tổ chức thông qua trao quyền
1. Tầm quan trọng của trao quyền
Trong hoàn cảnh kinh doanh hiện nay, trao quyền là một xu thế phổ biến trong các doanh nghiệp có mô hình quản lý phức tạp, quy mô nhân sự lớn nhằm phát huy vai trò, chất xám và năng lực của một số nhân tố xuất sắc, những người có khả năng nhận trách nhiệm, điều hành và quản lý công việc hiệu quả, đảm bảo guồng máy sản xuất và kinh doanh luôn vận hành thông suốt và phát triển mạnh mẽ.
Trao quyền là việc cho phép cấp dưới của bạn được quyền hành động và ra quyết định xử lý công việc trong một phạm vi và thời hạn nhất định nhằm để cho nhân viên cơ hội chứng tỏ và phát huy năng lực bản thân cũng như huấn luyện nhân viên trong quá trình làm việc. Trong kinh doanh có câu nói khá hay mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn, đó là: “Kinh doanh thành công là biết sử dụng tiền hiệu quả nhất từ người khác. Người thành đạt nhất là biết trao quyền cho người khác.”
Trao quyền thể hiện sự quan tâm, trân trọng và phát huy năng lực làm việc, khả năng quản lý và tính sáng tạo của đội ngũ nhân viên nhất là những nhân tố xuất xắc, được chọn lọc thông qua quá trình làm việc mà họ đã chứng minh. Ngoài ra, trao quyền còn có ý nghĩa động viên vô cùng to lớn của đội ngũ lao động, phát huy tính cạnh tranh và năng lực “thực chiến” của từng người sẽ được áp dụng ngay trong suốt quá trình làm việc.
Trao quyền đóng 3 vai trò quan trọng đối với một doanh nghiệp, đó là:
1. Phát huy và tận dụng nguồn nhân lực sẵn có, tránh lãng phí và thất thoát “chất xám”. Đây là một xu thế của thời đại, của những doanh nghiệp và tập đoàn thành công trên toàn thế giới.
2. Tạo ra sân chơi cạnh tranh thể hiện sức mạnh bản thân và cơ hội thăng tiến sự nghiệp của bản thân mình. Đây cũng là một trong những cách thức động viên nhân viên, nhất là những nhân tố có cá tính và chấp nhận thử thách.
3. Nhà lãnh đạo/quản lý sẽ có thời gian vào những công việc và vai trò vĩ mô hơn trong việc nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển và cạnh tranh bền vững của một doanh nghiệp.
3 vai trò của trao quyền đối với doanh nghiệp
Trao quyền đúng là gì? Những hiểu lầm trong trao quyền như thế nào?
1. Trao quyền đúng cũng phải thực hiện đúng theo nguyên tắc: 5W+1H, đó là:
a. What: liệt kê những nội dung công việc nào cho phép được trao quyền (trao quyền cái gì?). Việc trao quyền có nằm trong phạm vi, kế hoạch đào tạo và phát triển nhân sự nói riêng và cả doanh nghiệp nói chung hay không?
b. Why: xác định rõ mục tiêu tại sao phải trao quyền? tại sao phải trao quyền những nội dung công việc và trong thời điểm và khung thời gian này? …
c. Who: ai cần được trao quyền?
d. When: xác định thời gian trao quyền là bao lâu? có thể gia hạn thêm thời gian trao quyền hay liệu có thể kết thúc sớm hơn kế hoạch?
e. How: trao quyền được thực hiện như thế nào? Phương án dự phòng rủi ro, nhân sự hỗ trợ? Cũng như phải có công cụ đo lường, giám sát như thế nào trong quá trình thực hiện công việc và so sánh kết quả đạt được?
Nguyên tắc 5W + 1H trong trao quyền
2. Những hiểu lầm trong trao quyền:
a. Trao quyền không phải là giao việc để được làm thay người khác.
b. Trao quyền không phải giao hẳn nhiệm vụ, trách nhiệm hay ủy thác hoàn toàn cho người khác mà bỏ mặc việc kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả sau cùng.
c. Không phải công việc/nhiệm vụ nào cũng có thể trao quyền đối với nhân sự đang thực hiện trong một vai trò nhất định.
d. Không phải bất kỳ ai cũng được trao quyền. Không phải bất kỳ ai cũng được trao quyền mà không có quá trình đánh giá, chọn lọc.
2. Trao quyền được thực hiện như thế nào?
Bước 1: Xác lập mục tiêu và nội dung công việc cần trao quyền
Trước hết, việc trao quyền cho nhân viên nhằm mục đích gì? Mục tiêu và kết quả đạt được (KPI - Key Performance Index: Chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) như thế nào? Liệt kê hoặc mô tả các công việc mà bạn phân công, bàn giao cho nhân viên phải thực hiện ra sao? (WHAT?).
Ví dụ: Ông A, giám đốc nhà hàng thức ăn nhanh ABC, ông trao quyền cho Nhân viên thực hiện nhiệm vụ của một người quản lý thực thụ. Ông A mong muốn Nhân viên B với vai trò là một người quản lý sẽ đưa nhà hàng tăng doanh thu tháng 12/2022 tăng 50%/tháng so với hiện tại (11/2022). Thương hiệu và chất lượng thức ăn vẫn được đảm bảo 100% theo bộ tiêu chuẩn của Tập đoàn ABC toàn cầu.
Bước 2: Xác định phạm vi công việc/trách nhiệm trao quyền
Ông A chuẩn bị và chuyển giao chi tiết các công việc, bộ phận làm việc (Tiền sảnh, Thu ngân, Làm bánh, Bếp và Kho), bộ tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm (thức ăn, nguyên vật liệu, nhiệt độ bảo quản sản phẩm, hàng hóa,…) và quy định Random check (Kiểm tra bất kỳ ví dụ về thời gian làm bánh, tiêu chuẩn chào khách, tiêu chuẩn vệ sinh khu vực tiền sảnh, kho, nhiệt độ bảo quản gà rán,…) trong thời gian mở cửa hoạt động (WHERE?)
Bước 3: Quy định khung thời gian để hoàn thành công việc (Deadline?)
Ông A giải thích trách nhiệm và chỉ tiêu cho Nhân viên được trao quyền trong vòng 01 tháng (từ ngày 1/12/2022 đến hết ngày 31/12/2022) – (WHEN?)
Bước 4: Chọn lọc nhân sự trao quyền (Trao quyền cho ai?)
Qua thời gian đánh giá, nhận xét dựa trên kết quả và thái độ của quá trình làm việc, Ông A quyết định trao quyền quản lý nhà hàng (trong 1 ca làm việc) cho Nhân viên B dựa trên các tiêu chí mà ông B có được:
- Kiến thức: Nhân viên B nắm vững kiến thức về bộ tiêu chuẩn: Vệ sinh, nhiệt độ, màu sắc sản phẩm, kho lưu trữ, thời gian hoàn thành sản phẩm, lọc dầu, quản lý tài chính, báo cáo,….
- Thái độ: Nhân viên B có làm việc có tính kỷ luật, thái độ tích cực trong công việc và tuân thủ cao.
- Kỹ năng: Nhân viên B có kỹ năng quản lý nhân viên và các kỹ năng chuyên môn đều rất tốt (kỹ năng làm gà rán, bánh, lọc dầu, bán hàng,…)
- Thói quen: Nhân viên B có thói quen đi làm đúng giờ, hay giúp đỡ các bạn làm việc, hoàn tất và kiểm tra công việc rất tốt trước khi bàn giao và ra về (WHO?)
Bước 5: Chuẩn bị công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ như thế nào trong quá trình trao quyền nhằm đạt được mục tiêu như mong đợi?
Sau khi trao quyền, dựa trên các tiêu chí hoàn thành công việc, Ông A lập ra kế hoạch cụ thể và các công cụ, biểu mẫu, hỗ trợ tư vấn lực lượng nhân sự,… nhằm kiểm tra, giám sát và hỗ trợ cho quá trình thực hiện và hoàn thành công việc của Nhân viên B (HOW?).
5 bước thực hiện quy trình trao quyền
Thay cho lời kết
Tóm lại, trao quyền là một nghệ thuật quản lý mang tính tương tác và động viên cao đối với sự thành công của nhân viên và sự phát triển của một doanh nghiệp. Với vai trò là một nhà lãnh đạo, chúng ta luôn cần rèn luyện cho bản thân có một tầm nhìn lớn để phát huy khả năng nội tại, có tâm động viên, truyền cảm hứng cho nhân viên hoạt động hiệu quả.
Chúc mừng bạn đã hoàn thành khóa học
QUẢN LÝ THỜI GIAN VÀ TRAO QUYỀN