Thuyết trình thuyết phục

Hiểu lầm và thực tế về kỹ năng thuyết trình


1. Hiểu lầm và thực tế về thuyết trình trước công chúng

Theo một số liệu được dẫn chứng bởi ứng dụng hỗ trợ thuyết trình Orai, chúng ta có xu hướng xem ánh mắt dõi theo của người khác là một mối đe dọa hiện hữu, từ đó, nhiều người cảm thấy lo lắng, thậm chí tê liệt khi phải thuyết trình trước đám đông do có nhiều cặp mắt đang chăm chú quan sát. Không những thế, những niềm tin sau cũng góp phần khiến một cá nhân tự ti, từ đó không tin mình có thể thuyết trình trước công chúng:

  • “Tôi là người ít nói nên không thể thuyết trình trước đám đông”
  • “Giọng tôi không hay nên không thể là một người thuyết trình thuyết phục”

Trong khóa học này, hãy cùng điểm qua một vài hiểu lầm thường gặp, từ đó giúp bạn giảm bớt căng thẳng và thêm niềm tin khi rèn luyện kỹ năng thuyết trình thuyết phục.


2. Nhầm tưởng #1: Thuyết trình là khả năng thiên bẩm và không thể thay đổi

Tiến sĩ Tâm lý Carol Dweck, nổi tiếng với công trình nghiên cứu về Tư duy phát triển, đã chỉ ra rằng những người có tư duy phát triển có tỷ lệ thành công cao hơn so với những ai có tư duy cố định. Bởi vì, những cá nhân với niềm tin tài năng của họ có thể do rèn luyện mà thành (thông qua sự nỗ lực vượt bậc, học tập không ngừng nghỉ) sẽ luôn tìm cách thay đổi, phát triển bản thân để đạt được mục tiêu của mình. Ngược lại, với những ai thuộc nhóm tư duy cố định, họ sẽ tin rằng tài năng là thiên phú và không thể thay đổi được và từ đó thôi cố gắng.

Tư duy phát triển và tư duy cố định

Do vậy, để xây dựng tư duy phát triển và tin rằng kỹ năng thuyết trình của bạn hoàn toàn có thể cải thiện, hãy thực hành một số kỹ thuật sau:

a. Dùng ngôn ngữ tích cực động viên bản thân

Thay vì nói với bản thân và những người xung quanh rằng “Mình không thể thuyết trình”, hãy thử nói “Khả năng thuyết trình của mình có thể cải thiện” hay “Mình chưa giỏi thuyết trình vì không nhớ được nội dung cần nói. Mình sẽ tìm kiếm kỹ thuật giúp ghi nhớ để luyện tập”. Hãy giúp não bộ của bạn tin rằng đây là một nhiệm vụ khả thi và bạn đang từng bước thực hiện nhiệm vụ này.

b. Thực hành tự thuyết trình

Hãy chọn một vài vật dụng thân thuộc trong gia đình (điện thoại, TV, máy lạnh) hoặc bất kì chủ đề nào bạn yêu thích và thực hành tự thuyết trình về chúng trong khoảng từ 3 đến 5 câu. Điều này sẽ giúp bạn quen dần với hoạt động thuyết trình, khiến não bộ tin rằng hành vi này là quen thuộc, và làm tăng sự tự tin cho những buổi thuyết trình chính thức trong tương lai.
Bạn có thể xem thêm cách tự thực hành luyện tập thuyết trình, trả lời phỏng vấn với AI trong video sau của chị Thái Vân Linh: 


3. Nhầm tưởng #2: Người hướng nội thì không thể thuyết trình hay

Theo tác giả người Mỹ Susan Cain, câu hỏi tối quan trọng để quyết định bạn là người hướng ngoại hay hướng nội chính là “Bạn được “nạp” năng lượng thông qua hoạt động nào?”. Bà cũng dẫn chứng một bối cảnh tại một bữa tiệc mà ở đó bạn sẽ giao tiếp với nhiều người, đắm chìm và nhảy múa trong âm nhạc. Nếu sau bữa tiệc bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và niềm vui, bạn là người hướng ngoại. Song, nếu bạn cảm thấy kiệt sức và mong muốn ở một mình, thì chắc hẳn bạn là một cá nhân hướng nội.

Người hướng nội sau một bữa tiệc

Bạn cũng có thể làm bài trắc nghiệm sau (bằng tiếng Anh) được phát triển dựa trên nghiên cứu tính cách của Myers–Briggs để hiểu hơn về tính cách của mình.

Dù vậy, chưa có bằng chứng cho thấy việc những ai hướng nội sẽ không thể thuyết trình hay như nhóm người đối lập. Nói cách khác, việc chúng ta mang trong mình năng lượng năng lượng hướng ngoại hay hướng nội sẽ không cản trở bạn trở thành một người thuyết trình thuyết phục, dù xu hướng này có thể ảnh hưởng đôi phần đến phong cách thuyết trình của bạn.

Một vài người nổi tiếng có kỹ năng thuyết trình tốt là người hướng nội mà bạn có thể biết là:

  • Diễn viên Emma Watson: Nữ diễn viên trong phim Harry Potter chia sẻ với báo giới rằng cô là một người hướng nội, và không thích tham gia vào các buổi tiệc. Song, năng lượng hướng nội này không hề khiến cho các bài chia sẻ của cô bớt xuất sắc, mà còn rất truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhiều người.

Emma Watson phát biểu tại chiến dịch HeForShe 2014

  • Nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gate: Những lần phát biểu trước công chúng của ông luôn mang đến năng lượng tích cực cùng lối diễn thuyết có chiều sâu.

Bill Gates trình bày tại các sự kiện TED Talks

  • Cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Laura Bush: Người phụ nữ đồng hành cùng những thăng trầm của Tổng thống Hoa Kỳ thứ 43, George Bush, tự miêu tả về bản thân mình là một cá nhân hướng nội, và có nguồn năng lượng đối lập với chồng bà. Song, điều này không làm mất đi uy lực những khi bà phát biểu trước công chúng và báo chí, mà còn cho thấy sự đĩnh đạc, tự tin, và cả lối trình bày hài hước luôn thường trực trong các bài chia sẻ của bà.

Laura Bush phát biểu tại Bữa tối của các phóng viên Nhà Trắng


4. Nhầm tưởng #3: Tôi cần phải học thuộc toàn bộ bài thuyết trình để có thể thuyết trình thành công

Nhà phát minh và thuyết trình huyền thoại Steve Jobs là minh chứng cho việc bạn không cần thuộc lòng từng câu chữ trong bài thuyết trình để có thể chia sẻ về chúng một cách lưu loát. Cụ thể, thay vì nghĩ về bài thuyết trình của mình như phần kiểm tra miệng 5 phút thời phổ thông, hãy nghĩ về chúng như một câu chuyện thú vị bạn muốn kể, và bạn nhớ rõ từng chi tiết về câu chuyện này như thể bạn vừa trải qua chúng cách đây 5 phút trước. Để làm được việc này, hãy cùng tham khảo một vài những kỹ thuật đã được Steve Jobs áp dụng:

Steve Jobs thuyết trình (Nguồn: Linkedin Sinan Karatay)

Do vậy, để xây dựng tư duy phát triển và tin rằng kỹ năng thuyết trình của bạn hoàn toàn có thể cải thiện, hãy thực hành một số kỹ thuật sau:

1. Quy luật số 3: Chia phần trình bày của bạn ra làm 3 phần như một cốt truyện với mở đầu, thân bài, và kết bài. Trong đó, phần thân bài nên được làm nổi bật nhất với 3 ý chính, quan trọng. Sử dụng ít hơn 3 ý chính sẽ khiến bài của bạn trông thiếu chỉn chu, nhưng nhiều hơn 3 sẽ khó làm cho người nghe nhớ được những gì bạn nói. Cấu trúc này cũng sẽ giúp bạn ghi nhớ cấu trúc và mạch thuyết trình dễ hơn, từ đó trình bày về chúng một cách tự nhiên hơn.

2. Sử dụng số liệu: Trong câu chuyện bạn kể, hãy cố gắng chèn các số liệu có liên quan để tạo điểm nhấn đến cho người nghe. Lưu ý là những số liệu này cần mật thiết liên quan đến mạch truyện để đảm bảo tính logic của bài thuyết trình.

3. Sử dụng ngôn từ đơn giản: Ngôn từ đơn giản trong một bài thuyết trình có cấu trúc mạch lạc sẽ làm bạn bớt căng thẳng khi bạn có thể chia sẻ về chúng một cách tự nhiên như trong những cuộc đối thoại thường ngày. Hãy tránh làm bản thân căng thẳng bằng việc cố tình sử dụng các từ vựng khó. Đặc biệt là khi bạn thuyết trình với ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình.


5. Nhầm tưởng #4: Nếu tôi thất bại trong một lần thuyết trình, khán giả sẽ mãi nhớ về thất bại đó nên tôi thà không thử

“Bạn bước lên sân khấu để bắt đầu phần thuyết trình của mình nhưng chẳng may vấp phải tấm màn sân khấu và “vồ ếch” trước mặt hàng chục khán giả; một vài ánh mắt lo lắng, nhưng cũng khẽ có tiếng cười khúc khích khiến bạn cảm thấy xấu hổ vì sự cố vừa rồi. Nhiều năm sau đó, đôi khi bạn vẫn bất giác nhớ lại sự kiện trên và cảm thấy lo sợ khi đứng trước đám đông khán giả”.

Ví dụ trên có thể minh họa vì sao một vài người trong số chúng ta không dám thử thuyết trình trước đám đông vì e ngại thất bại của mình sẽ mãi là chủ đề để người khác bàn tán. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm rằng người khác sẽ không nhớ về những sự kiện của bạn lâu như bạn tưởng. Điều này có thể được lý giải bởi một hiệu ứng được tâm lý học gọi tên là Hiệu ứng ánh đèn sân khấu, nơi bạn cảm thấy mọi thứ xoay quanh mình và mình chính là tâm của vũ trụ. Điều này khiến bạn vẫn rùng mình khi nhớ về những sự cố cũ, và thậm chí còn ngăn cản bạn thử lại vì sợ người khác vẫn còn bàn tán về thất bại của bạn năm đó. Nhưng thực tế, tất cả mọi người đều có “ánh đèn sân khấu” rọi vào những vấn đề của riêng của mình, khiến họ không còn bận tâm đến câu chuyện của những cá nhân khác. Do vậy, bạn có thể yên tâm và thử lại thêm bao nhiêu lần bạn muốn dù trước đó “tiếng cười khúc khích” của người khác có thể đã làm bạn xấu hổ.

Hiệu ứng ánh đèn sân khấu

Để tự trấn an với nỗi lo này, hãy tự nhắc nhở bản thân:

  • Sẽ không có thất bại, bởi hoặc mình sẽ có thêm chiến thắng, hoặc có thêm một bài học mới.
  • Mọi chuyện rồi sẽ qua, kể cả những giây phút mình cảm thấy xấu hổ nhất.
  • Người khác sẽ không nhớ về thất bại của mình mãi bởi họ cũng đang mải lo toan về vấn đề của họ.

LỜI KẾT

Tư duy phát triển sẽ cho phép chúng ta nhìn nhận vấn đề ở nhiều phương diện khác nhau. Mong rằng các bạn sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn khi hiểu rõ một vài nhầm lẫn khiến chúng ta còn e dè trong việc thuyết trình trước đám đông. Bên cạnh đó, sau khi đã trang bị cho bản thân một tư duy mở về việc cải thiện kỹ năng thuyết trình, hãy cùng tìm hiểu một vài công cụ giúp bạn hoàn thiện phần trình bày của mình một cách hệ thống trong các bài viết tiếp theo nhé.