THU HẸP KHÁC BIỆT VĂN HÓA TẠI NƠI LÀM VIỆC

THU HẸP KHÁC BIỆT VĂN HÓA TẠI NƠI LÀM VIỆC

Khác biệt văn hóa (Cultural Differences Gap) là khái niệm khi đề cập đến những khác biệt về giá trị, niềm tin, phong tục, và cách thức giao tiếp giữa các cá nhân đến từ đa dạng các nền văn hóa. Trong môi trường làm việc, khác biệt này tác động đến cách mà mọi người tương tác và hiểu nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự hài lòng trong công việc.


Hiện nay, để nâng cao khả năng giao tiếp liên văn hóa, cải thiện gắn kết và tương tác hiệu quả với đồng nghiệp từ nhiều nền văn hóa khác nhau, các doanh nghiệp bắt bắt đầu chú ý hơn về việc đào tạo Trí thông minh văn hóa (Cultural Intelligence) hay viết tắt là CQ.


CQ mang lại nhiều lợi ích trong việc “gắn kết” những khác biệt về văn hóa. Nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của CQ đối với hiệu suất làm việc (task performance) chỉ ra rằng nhân viên với CQ cao có xu hướng làm việc hiệu suất hơn 24% so với những người có CQ thấp. Họ cũng thích nghi tốt hơn trong môi trường làm việc đa quốc gia và được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cao hơn 36%.


Không chỉ có tác động tích cực với nhân viên, một nghiên cứu khác cũng cho thấy CQ cao giúp các nhà quản lý phát huy khả năng lãnh đạo hiệu quả hơn 25%, đồng thời đạt được mục tiêu kinh doanh tốt hơn so với các quản lý khác.


Theo báo cáo của Bộ Giáo dục tại Mỹ khi khảo sát 2.100 nhà tuyển dụng, 93% phản hồi rằng họ đánh giá cao những nhân viên có thể làm việc hiệu quả với khách hàng và doanh nghiệp từ nhiều nền văn hóa khác nhau.


Những số liệu và nghiên cứu trên là minh chứng rõ ràng cho việc phát triển CQ không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn giúp tổ chức đạt được hiệu quả cao hơn trong môi trường làm việc đa văn hóa. 

Ví dụ về khác biệt văn hóa tại nơi làm việc 

Trong các cuộc họp, nghiên cứu của Hofstede chỉ ra rằng các quốc gia có khoảng cách quyền lực lớn (power distance) như Trung Quốc và Ấn Độ, các cuộc họp thường mang tính phân cấp và người tham gia ít khi phản biện trực tiếp với người lãnh đạo. Ngược lại, ở các quốc gia có khoảng cách quyền lực ít hơn như Thụy Điển và Đan Mạch, các cuộc họp thường mang tính dân chủ và mọi người đều có quyền phát biểu.


Hay trong việc thuyết trình, nghiên cứu của Hall (1976) và Gelfand et al. (2011) cũng chỉ ra sự khác biệt giữa nền văn hóa ngữ cảnh cao (high-context) như Nhật Bản và Ả Rập Saudi sẽ trình bày thông tin một cách ẩn ý, yêu cầu người nghe hiểu được ngữ cảnh và mối quan hệ giữa các thành viên. Đây là điểm khác biệt so với việc thông tin được truyền đạt một cách rõ ràng và trực tiếp ở các nền văn hóa ngữ cảnh thấp (low-context) như Mỹ và Đức.

Sự khác biệt trong tương tác tại nơi làm việc 

Một ví dụ điển hình khác về sự khác biệt văn hóa thể hiện trong việc xây dựng niềm tin cho các mối quan hệ công việc ở các nước Châu Âu và Châu Á trong cuốn "The Culture Map" của Erin Meyer.


Ở Châu Âu, niềm tin được xây dựng chủ yếu dựa trên kỹ năng, độ tin cậy và hiệu quả công việc. Kinh doanh được coi là mối quan hệ chuyên nghiệp và không cần thiết phải có những chia sẻ cá nhân. Các mối quan hệ kinh doanh này được hình thành và chấm dứt linh hoạt dựa trên nhu cầu công việc.


Ngược lại, ở Châu Á, niềm tin được xây dựng thông qua các buổi ăn uống, gặp mặt và trò chuyện. Các mối quan hệ công việc này được xây dựng chậm hơn nhưng kéo dài lâu hơn vì họ cần có cảm giác đồng thuận và chung chí hướng từ hai bên. Kinh doanh lúc này được coi như mối quan hệ cá nhân, không chỉ đơn thuần là công việc.


Đây là một trong những lý do chính khiến nhu cầu phát triển CQ được mọi người chú trọng và quan tâm hơn, sẵn sàng cho việc đáp ứng linh hoạt khi có sự khác biệt văn hóa. Nhờ đó mà ứng xử văn minh và phù hợp hơn để đạt được mục tiêu trong công việc.

Hiểu về Trí thông minh văn hóa (CQ)

Khái niệm Trí thông minh văn hóa (Cultural Intelligence) liên quan đến những hiểu biết, kỹ năng và động lực giúp thích nghi với môi trường đa văn hóa. Đến năm 2015, nhà khoa học David Livermore tiếp tục nghiên cứu mở rộng khái niệm trên trong cuốn sách "The Cultural Intelligence Difference" thành một dạng trí thông minh có thể phát triển và đo lường được qua 4 yếu tố: Động lực (CQ Drive), Nhận thức (CQ Cognitive), Chiến lược (CQ Strategy), và Hành động (CQ Behavioral). 


Hãy xem chi tiết về từng yếu tố, và cách nó thể hiện qua mỗi giai đoạn phát triển CQ. 

4 yếu tố của Trí thông minh văn hóa (CQ) từ David Livermore

 1. Động Lực (CQ Drive)
Đây là khía cạnh đầu tiên trong việc xác định động lực bên trong khiến bạn muốn tìm hiểu và thích ứng với các nền văn hóa khác nhau. Nguồn động lực có thể đến từ mong muốn phát triển hình ảnh cá nhân tốt hơn hay nâng cao chất lượng và khả năng làm việc nhóm trong môi trường đa quốc gia. 

Bạn có thể tìm hiểu động lực của bản thân bằng cách tự đặt câu hỏi:

  • Động lực của bạn trong việc xây dựng trí thông minh văn hóa là gì?
  • Làm thế nào để chúng liên kết với nhau và trở thành đòn bẩy trong trong việc xây dựng trí thông minh văn hóa?

 2. Nhận Thức (CQ Cognitive)
Tiếp theo, bạn cần học thêm về các kiến thức văn hóa đa dạng như khoảng cách quyền lực (power distance) hay văn hóa với ngữ cảnh cao-thấp (high-low context) để hiểu cách các nền văn hóa tác động như thế nào đến những gì mọi người nói, làm và điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp. 

Một vài câu hỏi để đào sâu về khía cạnh này có thể là:

  • Các giá trị cốt lõi của nền văn hóa này, văn hóa kia là gì?
  • Cần tìm hiểu khía cạnh nào về văn hóa để xây dựng nền tảng kiến thức trong các tình huống xã hội cụ thể?

3. Chiến lược (CQ Strategy) 
Yếu tố này thể hiện qua khả năng suy nghĩ, điều chỉnh chiến lược giao tiếp dựa trên tình huống cụ thể, và có kế hoạch ứng phó với sự khác biệt văn hóa. Để thực hiện điều này, bạn cần chú tâm đến bản năng ứng xử của mình khi gặp các tình huống không quen thuộc trong sự khác biệt văn hóa.


Hãy thử hỏi bản thân rằng:

  • Kế hoạch cho các tương tác (chuẩn mực cơ bản, lời chào cần thiết, chủ đề thảo luận và phong cách giao tiếp) phù hợp trong các tình huống cố định đó là gì?
  • Cách để dự đoán cảm nhận từ các đối tác?

4. Hành Động (CQ Behavioral)
Cuối cùng là hành động thể hiện sự thích nghi và thay đổi trong việc hành xử theo những cách khác nhau sao cho phù hợp với từng nền văn hóa, sẵn sàng xử lý các tình huống khó khăn nếu phát sinh. 


Thử đặt câu hỏi rằng:

  • Các hành vi thể hiện trí thông minh văn hóa tại nơi làm việc là gì?
  • Làm thế nào chúng ta có thể thúc đẩy sự hòa nhập và đa dạng hóa tại nơi làm việc?

3 bước luyện tập để phát triển 4 yếu tố CQ

Không giống như các khía cạnh khác của tính cách, trí thông minh văn hóa có thể được phát triển và rèn luyện ở mọi người với năng lực chuyên môn khác nhau qua 3 bước sau: 

3 bước luyện tập phát triển CQ từ David Livermore

Bước 1. Đánh giá cá nhân

Cá nhân sẽ xem xét điểm mạnh và điểm yếu về CQ của mình bằng cách tự đánh giá và nhớ lại các tình huống, sự kiện mà bạn đã có như trong cuộc gặp gỡ kinh doanh, hay một buổi teambuilding,... Tốt hơn hết bạn nên đánh giá qua nhiều trải nghiệm khác nhau để biết khả năng nắm bắt nghi thức xã giao của bản thân với các đồng nghiệp nước bạn từ trước đến nay là như thế nào. Bạn cũng nên nhờ những đồng nghiệp xung quanh chia sẻ góc nhìn của họ về mức độ thông minh văn hóa của bạn.


Bước 2. Khắc phục điểm yếu

Tập trung vào điểm yếu của mình và lên kế hoạch cụ thể. Ví dụ, nếu bạn có CQ động lực thấp, hãy tập đơn giản bằng cách chào hỏi đồng nghiệp mới, hay trò chuyện với người bán hàng,... sau đó chuyển sang các hoạt động đòi hỏi nhiều hơn, chẳng hạn như tham gia một hoạt động tình nguyện đa văn hóa và kết thêm những người bạn mới.


Sau đây là các bước luyện tập cụ thể cho từng yếu tố để bạn tham khảo:

Các bước luyện tập cụ thể tham khảo từ David Livermore

Bước 3. Đánh giá và duy trì luyện tập

Bạn cần đánh giá lại các kỹ năng mới của mình và mức độ hiệu quả của chúng sau khi luyện tập, có thể nhờ các đồng nghiệp nhận xét hoặc chủ động thảo luận về quá trình phát triển CQ của bản thân. Tiếp tục đánh giá định kỳ và không ngừng luyện tập để trau dồi CQ mỗi ngày.

Kết luận

Tóm lại, phát triển CQ là quá trình dài đòi hỏi bạn trước hết hiểu về các rào cản của bản thân và thẳng thắn với định kiến mà mình có. Sau đó, xác định đâu là điểm cần khắc phục và có kế hoạch giải quyết chúng từng bước. Hãy luôn duy trì tinh thần tò mò và lòng cởi mở để đón nhận những điểm khác biệt.


Skills Bridge hy vọng bài viết này cung cấp cho bạn thêm thông tin về khả năng phát triển Trí thông minh văn hóa, góp phần cải thiện chất lượng công việc của bạn và tinh thần tôn trọng dành cho sự khác biệt văn hóa trong môi trường hội nhập hiện nay.

Nguồn tham khảo:

1. The Culture Map by Erin Meyer (Book) 
2. The Cultural Intelligence Difference by David Livermore (Book)
3. Ang et al., (2007). Cultural intelligence: its measurement and effects on cultural judgment and decision making, cultural adaptation and task performance. 
4. Rockstuhl et al., (2011). Beyond general intelligence (IQ) and emotional intelligence (EQ): The role of Cultural intelligence (CQ) on Cross‐Border Leadership Effectiveness in a globalized world.
5. U.S. Department of Education report 
6. Hofstede’s Cultural Dimensions Theory & Examples (simplypsychology.org) 
7. Dimensions of Culture: Hall's Low Context and High Context (ebrary.net) 

XEM THÊM

Đào tạo kỹ năng làm việc văn phòng và kinh doanh 

cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Liên hệ

© 2023 - Bản quyền của Công ty cổ phần Skills Bridge

Skills Bridge cung cấp các chương trình đào tạo giúp cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nâng cao kỹ năng chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo và xây dựng doanh nghiệp thành công.

© 2024 - Bản quyền của Công ty cổ phần Skills Bridge

Skills Bridge cung cấp các chương trình đào tạo giúp cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nâng cao kỹ năng chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo và xây dựng doanh nghiệp thành công.

© 2024 - Bản quyền của Công ty cổ phần Skills Bridge